Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

TRÚT BỎ 4 GÁNH NẶNG NÀY BẠN SẼ AN LẠC TỰ TẠI


Trên đời, chuyện không như ý thường chiếm đến 8, 9 phần mà cõi người thật ngắn ngủi. Làm sao để sống một đời không hối tiếc, muộn phiền? 
Người ta nói, nhân sinh là giấc mộng dài, trăm năm qua đi tựa như chớp mắt và trần gian chỉ là quán trọ ven đường chẳng được lâu bền. Phật gia cho rằng, cõi người chỉ là một chặng nghỉ chân rất nhỏ, rất nhỏ của quãng luân hồi đời đời kiếp kiếp qua đằng đẵng tháng năm.
Thân người hôm nay đắc được, ngày mai chắc gì đã giữ bền lâu? Thế nên, Phật gia cũng khuyên người ta chớ nên chấp nhất, ôm giữ bất cứ điều gì trong cõi trần ai. Tất cả đều là ảo mộng, là bong bóng, sẽ vỡ tan một khi người ta nhắm mắt xuôi tay. Học cách buông bỏ chính là tận hưởng cuộc đời này một cách trọn vẹn nhất.
Đức Phật từng giảng về 4 điều không thể tồn tại vĩnh viễn trên thế gian này. Buông bỏ chúng, người ta ắt được thảnh thơi hưởng phúc Trời.
1. Điều tưởng là trường tồn đều vẫn sẽ thay đổi (Hữu thường giả tất vô thường)
Phàm là việc gì trên đời cũng đều không được mãi mãi. Người ta có sinh, lão, bệnh, tử. Trời đất có xuân, hạ, thu, đông. Tiết trời có nóng lạnh. Vạn vật cứ luôn luôn vận động như thế, chẳng bao giờ đứng yên, cũng chẳng bao giờ trường tồn vĩnh cửu.
Đứng trên góc độ khoa học mà xét, cấu tạo bên trong mỗi vật thể đều là từ các phân tử, nguyên tử và những dạng hạt nhỏ hơn khác. Những hạt vật chất ấy là không ngừng chuyển động. Sự vật trước mắt người ta tưởng là đứng im, bất biến nhưng nhìn dưới kính hiển vi lại thấy bề mặt của chúng chuyển động dường như hỗn loạn.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus có một câu nói rất nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông“. Dòng sông nhìn thì chẳng có gì đổi khác nhưng từng giây, từng phút vẫn đang thay đổi mà chẳng ai hay. Nước đang đổi dòng, phù sa cũng đổi màu, đất đá, cây cỏ dưới lòng sông cũng không còn giống nhau nữa. Đó chẳng phải là người ta đã tắm mình ở hai dòng nước khác nhau đó sao?
2. Giàu có không thể vĩnh viễn (Phú quý giả tất bất cửu)
Người xưa nói: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời“, hàm ý sâu xa là thời vận luôn luôn biến đổi, vinh hoa phú quý cũng liên tục đổi dời. Phật gia giảng, tài phú của đời người ở kiếp này chính là phúc báo có được từ kiếp trước. Kiếp trước tích đức, hành thiện, sùng kính Phật, tín ngưỡng Thần thì kiếp này hưởng giàu sang, phú quý.
Vậy nên đừng nhìn nhận một người ở của cải, tài vật mà họ đang có trong tay. Thứ ấy sau trăm năm đều biến thành hư ảo cả. Người ta chết rồi cũng chẳng mang được theo đi. Lúc nhắm mắt, ai cũng chỉ còn hai bàn tay trắng mà thôi. Thế nên mới nói giàu có không thể vĩnh viễn là vậy.
Ở một nghĩa khác, sở dĩ phú quý không thể kéo dài là vì con người thường có lòng tham, không biết điểm dừng. Họ có tiền bạc rủng rỉnh, nhà lầu xe hơi, vợ hiền con đẹp nhưng lại chẳng bao giờ vừa ý, thỏa mãn. Họ dành cả đời này để đuổi theo hư vinh, sự xa hoa, cứ muốn kiếm thật nhiều tiền hơn nữa mãi. Cuối cùng, họ có thể đánh rơi những phẩm giá quý báu nhất của mình, trở nên vị tư, quên cách bố thí, quên cách nghĩ cho người khác. Như vậy, họ sẽ thất đức, bạc tiền có đầy núi, đầy kho rồi cũng tiêu tán cả.
3. Tụ hợp ắt sẽ phải biệt ly (Hội hợp giả tất biệt ly) 
Đời người quá ngắn, phút giây trùng phùng thật đáng quý. Đáng quý hơn cả là bởi nó sẽ chẳng được bền lâu. Tan tan hợp hợp là lẽ thường của sự đời. Cha mẹ không thể ăn đời ở kiếp cùng ta. Bè bạn dù thân thiết đến mấy nào có khác gì một tầng mây, tụ hồi rồi lại tan đi. Người yêu tuyệt vời, thề nguyện trăm năm rồi một sớm mai cũng khuất mờ theo sương gió…
Trên chặng đường đời của mình, chúng ta sẽ luôn phải đối diện với những cuộc tụ hợp rồi chia ly như thế. Ta sẽ phải kinh qua hết thảy những chén rượu tương phùng cho đến những sân ga tiễn biệt. Mà xét đến cùng tất cả đều không nằm ngoài hai chữ duyên phận:
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng”
4. Khỏe mạnh đến mấy rồi cũng phải về với cát bụi (Cường kiện giả tất quy tử) 
Sức khỏe của người ta chính là thứ không bền vững nhất. Hôm nay trẻ tráng, khí huyết phừng phừng, chí ở bốn phương nhưng rất có thể ngày mai là thân thể còm cõi, tóc bạc da mồi, hít thở còn khó. Vì con người phải đối mặt với sinh, lão, bệnh, tử nên chẳng ai dám nói rằng mình mãi mãi khỏe mạnh.
Cổ nhân cho rằng giàu sang phú quý chẳng quan trọng bằng có sức khỏe tốt. Cho nên trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta thấy người xưa luôn tìm kiếm phép dưỡng sinh, tồn thần dưỡng khí và tu luyện để được trường sinh bất lão. Chính vì họ ý thức được điều ấy, sức khỏe là Trời ban nhưng đến một ngày Trời cũng sẽ lấy đi nó.
Vì sức khỏe là có hạn nên Phật gia giảng rằng người ta phải biết tự ước thúc dục vọng của mình. Mải mê truy cầu, chạy theo dục vọng ắt sẽ tự hại bản thân, sinh mệnh chẳng được lâu dài. Phép dưỡng sinh tốt nhất lại chính là tu dưỡng, tu luyện chính mình. Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ” (Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng cam lòng). Nghe được Đạo, đắc được Pháp rồi thì chính là sống không hoài phí thân người, dẫu chết cũng vẫn vui.

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

CHUYỆN CON HỔ BÁO ƠN, KHÔNG ĂN THỊT NGƯỜI MÀ NGÀY NGÀY CÒN MANG VẬT TẶNG QUÀ


Động vật cũng có tình cảm và nhận thức. Vì vậy từ xưa đến nay, có rất nhiều câu chuyện cảm động về sự báo ơn của loài vật. Dưới đây là câu chuyện có thật được lưu giữ tại bảo tàng cố cung tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan.
Vào thời nhà Đường đầu những năm Kiến Trung, tại phía bắc huyện Bắc Hải, Thanh Châu (nay thuộc thành phố Duy Phường, Sơn Đông, Trung Quốc) có đài quan sát biển Tần Thủy Hoàng, bên cạnh đài quan sát là hồ Biệt Tẫn Bạc. Cách đó không xa, có túp lều cỏ của một ngư dân tên là Trương Ngư Chu.
Một đêm nọ, Trương Ngư Chu đang chìm sâu trong giấc ngủ thì đột nhiên một con hổ lớn từ đâu bước vào, vì ngủ quá say nên ông không hề hay biết sự xuất hiện của con hổ này. Con hổ thấy người ngủ say không có động tĩnh gì, cũng không đuổi đánh nên nó nằm xuống, chẳng mấy chốc cũng lăn ra ngủ.
Trời gần sáng, Trương Ngư Chu lờ mờ nghe thấy tiếng thở phì phò bên cạnh, nhưng ông chỉ mơ hồ nghĩ rằng ai đó lỡ bước đi ngang qua nên vào ngủ nhờ, vì vậy ông không để ý nữa mà lại tiếp tục giấc nồng. Đến khi tỉnh dậy, Trương Ngư Chu mới giật nảy người không dám tin vào mắt mình, một con hổ to lớn đang nằm ngay bên cạnh. Trương Ngư Chu run sợ khiếp đảm, toàn thân đẫm mồ hôi lạnh vì sợ hãi, hai chân run lên bần bật không dám động đậy.
Lúc này con hổ cũng mở mắt, thấy người đã tỉnh dậy nên nó lấy chân trước cào cào về phía trước như đang vẫy gọi: “Lại đây, lại đây!”. Trương Ngư Chu tưởng con hổ muốn vồ lấy mình nên sợ hãi lùi về sau một đoạn rồi nhắm chặt mắt lại chờ đợi kết quả…
Nhưng đợi mãi, đợi mãi, sau một hồi vẫn không thấy động tĩnh gì, Trương Ngư Chu khe khẽ mở mắt ra nhìn, thấy con hổ vẫn ngoan ngoãn nằm im ở đó, không hề có ý muốn ăn thịt mình, ông thấy vậy mới từ từ lấy lại bình tĩnh.
Con hổ thấy người đã mở mắt ra nhìn nên nó lại tiếp tục đưa chân trước ra khều.
Trương Ngư Chu nghĩ bụng phải chăng con hổ đang gặp vấn đề gì đây? Ông bạo gan đứng dậy, tiến lại gần và kiểm tra cái chân con hổ đang duỗi ra xem, hóa ra dưới chân nó bị một vật cứng đâm vào tạo thành vết thương khá dài. Con người chỉ cần bị thương nhỏ đã không thể đi lại rồi, đằng này nó lại bị nghiêm trọng thế kia chắc chắn là rất đau đớn. Trương Ngư Chu nhẹ nhàng giúp con hổ nhổ vật nhọn đó ra, con hổ tỏ ra khoan khoái vô cùng, vui mừng chạy ra đám cỏ bên ngoài lều rồi lại quay lại phủ phục trước cửa, cúi đầu cảm ơn ân nhân, rồi nó lại tiến vào trong áp sát thân vào người Trương Ngư Chu như bằng hữu thân thiết. Mãi một hồi lâu sau con hổ mới quyết định rời đi.
Hổ báo ân
Vào một đêm nọ, trong lúc đang ngủ Trương Ngư Chu nghe thấy tiếng động bên ngoài lều vọng lại. Ông thấy lạ kỳ nên đứng dậy bước chân ra xem, chợt nhìn thấy một con lợn rừng đã chết nằm ngay trước lều, cạnh đó là con hổ đang nằm chờ chực. Vừa thấy Trương Ngư Chu bước ra, nó lập tức tiến lại gần cọ sát vào ông như hai người bạn thân thiết, sau một lúc lâu nó mới chịu rời đi.
Từ đó về sau, hổ thường xuyên cắp thức ăn săn được mang đến cho Trương Ngư Chu, lúc thì lợn, lúc thì nai… Sự việc này cũng đến ngày gây chú ý tới dân làng gần đó. Họ xì xào bàn tán, cho rằng Trương Ngư Chu là yêu quái, nếu không làm sao một người bình thường có thể sai khiến được hổ? Bất luận Trương Ngư Chu có giải thích thế nào đi chăng nữa, mọi người cũng không tin, sau đó còn kiện ông lên quan huyện nhờ quan xử lý.
Quan huyện xử án
Quan huyện cũng cảm thấy việc này có đôi chút ly kỳ, tại sao hổ không ăn thịt lại còn ngày ngày mang thức ăn cho người? Quan huyện lập tức thăng đường tra xét. Trương Ngư Chu bị lôi lên công đường, cúi đầu quỳ trước mặt quan huyện, quan huyện đập mạnh chiếc kinh đường mộc xuống bàn rồi yêu cầu phải khai rõ nguồn cơn: “Trương hổ tử, hãy mau mau khai rõ sự tình, nhà ngươi có quan hệ như thế nào với con hổ kia, tất cả phải kể chi tiết cho bổn quan đây nghe”.
Trương Ngư Chu vốn dĩ là người thật thà, trước nay không hề làm điều gì sai trái với lương tâm. Nhưng quỳ giữa công đường thấy quan lính đứng kín hai bên, lại bị quan huyện đập bàn thị uy nên không khỏi thất kinh, vậy bèn lắp bắp đem đầu đuổi sự việc kể cho quan huyện nghe, không bỏ sót một chi tiết gì.
Quan huyện nghe xong, bán tín bán nghi, vì để chứng thực lời Trương Ngư Chu nói nên phái thuộc hạ cùng ông trở về lều, xem có đúng là hổ sẽ mang thức ăn săn được cho Trương Ngư Chu không? Quả nhiên đến giữa đêm hôm đó, con hổ xuất hiện, đem theo một con nai rừng. Quân lính tận mắt chứng kiến ai nấy đều kinh ngạc trở về bẩm báo quan huyện, từ đó Trương Ngư Chu mới có thể chứng tỏ mình vô tội.
Sau khi trở về lều cỏ, vì để cám ơn tấm thâm tình của con hổ hậu đãi mình, Trương Ngư Chu mời hòa thượng về lập đàn tế Trời cầu Phật bảo hộ bình an cho hổ. Đêm đó con hổ lại tha về một con nai cho Trương Ngư Chu.
Có một ngày, con hổ quay lại phá tan lều cỏ, rồi nhìn Trương Ngư Chu như muốn nói rằng hổ không muốn thấy ân nhân của mình phải tiếp tục cô đơn một mình nơi hoang vắng như vậy. Chân trời góc bể, nơi đâu cũng có làng mạc thôn xóm, nơi đâu cũng có người sinh sống, ân nhân hãy lên đường, nhất định sẽ tìm được người hữu duyên để cùng an cư lập nghiệp. Trương Ngư Chu hiểu được thành ý của hổ nên thu dọn đồ đạc chuyển đi nơi khác. Từ đó về sau cũng không ai còn trông thấy con hổ quay trở lại Biệt Tẫn Bạc nữa.

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

TẠI SAO NÓI ‘BỆNH TỪ MIỆNG VÀO, HỌA TỪ MIỆNG RA


Cổ nhân từng dạy: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Chuyện không có bịa đặt thành có, nói lời thêu dệt hãm hại người khác, đổi trắng thay đen – tất cả đều sẽ tạo thành nghiệp. Câu chuyện sau đây là một minh chứng cho điều đó.

Giấc mơ báo trước sự ra đời

Ngày xưa ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, có một chàng nho sinh tên là Dự Sinh. Người dân trong vùng kể rằng, khi Dự Sinh vừa sinh ra, trong phòng bỗng có một mùi hương rất kỳ lạ, trên bầu trời sắc hồng rực rỡ.
Ông ngoại của Dự Sinh là Mỗ Ông kể rằng, ông từng nằm mơ được đưa tới Văn Xương Cung – cung điện của thần chủ quản về công danh và phúc lộc). Khi đó, Văn Xương Đế Quân dẫn một người đàn ông cao lớn từ trong cung đi ra, cờ quạt mở đường vô cùng uy nghi trang nghiêm.
Một vị quan giơ lên cuốn sổ màu vàng, nhìn Mỗ Ông chăm chú và nói: “Đứa cháu ngoại này của ông chính là một vị tinh quân hạ phàm đầu thai làm người”. Cuốn sách còn ghi rõ tên đứa bé là Dự Sinh, công danh chức tước cả một đời ra sao, mọi việc lớn nhỏ trong cuộc đời được miêu tả hết sức rõ ràng chi tiết.
Như vậy, số mệnh đã tiên đoán trước rằng năm 9 tuổi Dự Sinh sẽ vào học trường huyện, năm 17 tuổi sẽ đỗ thủ khoa trong kỳ thi hương, không lâu sau đó đậu tiến sĩ, là trạng nguyên đứng đầu trong kỳ thi đình, nhiều lần đảm nhiệm những chức vụ cao quý. Về sau Dự Sinh còn làm quan ở một vùng ven biên giới, rồi làm quan ở địa phương và cuối cùng giữ một chức quan tam phẩm trong triều đình, được phong làm Thượng Công, văn võ xong toàn, tiền đồ sáng lạng.
Mỗ Ông chưa đọc hết cuốn sách thì tỉnh giấc, một lát sau người nhà đến báo tin cháu trai ông vừa chào đời.
Sáng hôm sau, Mỗ Ông kể lại giấc mơ kỳ lạ của mình. Cả gia tộc ông đều vui mừng tin rằng đứa bé sau này sẽ trở thành bậc lương đống trụ cột của nước nhà.

Hại người hại mình, tiền đồ tiêu tan

Dự Sinh từ nhỏ đã có tướng mạo phi phàm, khi lớn lên lại vô cùng thông minh nhanh nhẹn, tài trí hơn người. Khi 7 tuổi Dự Sinh đã có thể viết văn, 9 tuổi đã vào học ở trường huyện, luôn được mệnh danh là thần đồng trong vùng. Cậu của Dự Sinh là một tiến sĩ nổi tiếng, khi đến Quảng Đông nhận chức quan huyện đã đưa Dự Sinh đi cùng.
Dự Sinh ở cùng cậu tới năm 17 tuổi, học vấn đã rất uyên thâm. Vào kỳ thi Hương năm đó, Dự Sinh trở về quê nhà tham gia ứng thí. Nhưng Dự Sinh tự kiêu tự đại cho rằng công danh có thể dễ dàng đạt được nên đã chủ quan, trên đường đi còn trêu hoa ghẹo nguyệt, tiêu tiền như nước, mới đi được nửa đường đã tiêu hết lộ phí.
Lúc đó Dự Sinh đi qua một huyện nha của tỉnh Giang Nam, tri huyện ở đây cũng đỗ tiến sĩ cùng năm với người cậu của anh ta nên rất yêu quý ngưỡng mộ Dự Sinh. Khi nghe tin Dự Sinh tới thăm, tri huyện đã nhiệt tình tiếp đón và sắp xếp để Dự Sinh tá tục ở nhà một người dân ngoài huyện nha.
Trong gia đình mà Dự Sinh tá túc có một góa phụ đang mang thai. Vì muốn chiếm đoạt tài sản của người góa phụ giàu có ấy nên người nhà đã vu oan cho cô tội gian tình với kẻ khác. Vị chủ nhà biết Dự Sinh là thượng khách của tri huyện nên đã hối lộ hậu hĩnh để anh ta biện hộ giúp vụ việc này.
Đúng lúc Dự Sinh đang cần lộ phí đi thi nên đã đồng ý. Anh ta tìm cách khéo nói với quan phủ: “Thưa tri huyện, người góa phụ đó đũng là có tiếng xấu khắp huyện mọi người đều biết. Nếu bênh vực cô ta, mọi người trong huyện sẽ đồn rằng đại nhân ăn hối lộ nên cố ý thiên vị. Vãn sinh được đại nhân ưu ái như vậy, lại biết rằng đại nhân là người công chính liêm minh, không nỡ để danh tiếng của ngài bị tổn hại, nên bạo gan nói với đại nhân thông tin mà tôi nghe được này để đại nhân xem xét.”
Tri huyện tin theo những lời đường mật của Dự Sinh, lập tức thăng đường lật lại toàn bộ những gì đã xét xử trước đó, làm cho người góa phụ bị đuổi khỏi nhà chồng, còn người nhà thì được hưởng toàn bộ thừa kế. Những người thân của góa phụ nọ vui mừng cùng chia nhau tài sản và mang biếu Dự Sinh một ngàn lạng bạc. Dự Sinh vui vẻ lên đường, còn người góa phụ kia trở về nhà mẹ đẻ, rồi uất ức mà treo cổ tự vẫn, thiệt một lúc hai mạng người.
Mặc dù Dự Sinh được tiên đoán là sẽ đỗ đầu kỳ thi hương, nhưng kết quả công bố, anh ta bị trượt một cách thảm hại. Sau đó vì bất mãn, anh ta lại càng làm xằng làm bậy, xúi giục người khác làm đủ mọi điều xấu xa. Dự Sinh vốn có tài, nhưng lại dùng cái tài ấy để nói lời xảo ngôn, đổi trắng thay đen, tùy theo ý anh ta mà chiếm đoạt danh lợi của người khác.
Vì làm nhiều việc xấu nên kỳ thi khoa cử nào anh ta cũng đều thất bại, đã hơn bốn mươi tuổi vẫn chỉ là một tú tài. Sau khi cậu của Dự Sinh cáo quan về quê, nghe được những việc làm xấu xa của cháu mình, đã vô cùng tức giận nhốt anh ta trong nhà.
Một buổi tối nọ, cậu của Dự Sinh nằm mộng và du ngoạn tới miếu thành hoàng của làng, vô tình nghe thấy cuộc trò chuyện của hai vị sai nha. Một vị nói: “Này huynh, 20 năm qua tại sao lần nào Dự Sinh cũng bị gạch tên khỏi bảng vàng vậy nhỉ?”. Người kia đáp: “Là bởi làm quá nhiều việc xấu nên tên tuổi của anh ta bị loại bỏ khỏi bảng vàng rồi! Nếu còn tiếp tục thì dương thọ của anh ta cũng hết, chẳng mấy mà phải đọa vào địa ngục thôi.”
Cậu anh ta rất lấy làm kinh ngạc, vội vàng tới hỏi hai viên nha sai. Họ bèn đưa cho ông xem một cuốn sách màu vàng, trong đó ghi chép tỉ mỉ về cuộc đời của Dự Sinh giống như Mỗ Ông đã từng được đọc. Nhưng trong đó cũng lại ghi chép rất rõ ràng rành mạch từng việc xấu anh ta đã làm. Thuận theo từng việc xấu ấy mà quan tước công danh cũng mất đi.
Sau khi tỉnh giấc, người cậu vội vàng gọi anh ta tới và thuật lại những điều thấy trong mộng. Dự Sinh bừng tỉnh và cảm thấy vô cùng hối hận. Từ đó anh ta thật tâm thay đổi bản thân, cố gắng bù đắp phần nào những tội lỗi đã gây ra. Nhưng vì tội nghiệp quá nặng, nên cả đời Dự Sinh vẫn chỉ là một nho sinh bình thường không có thành tựu gì.
Rõ ràng là một cậu bé thiên tài với tiền đồ sáng lạng, chỉ bởi không tu dưỡng đạo đức nên nhận phải một kết cục vô cùng thảm hại. Khi vướng vào vòng danh lợi mà dám làm mọi điều ác, hại người khác cũng là hủy hoại tiền đồ tương lai của chính bản thân mình.
Những người như vậy thì dù vận mệnh có tốt đẹp thế nào đi nữa, nhưng hễ làm điều xấu thì sẽ thay đổi vận mệnh tốt đẹp ban đầu của bản thân.
Tâm người tựa như một mảnh ruộng, gieo nhân lành sẽ thu được quả lành; gieo nhân xấu ắt sẽ gặt quả xấu. Nếu chúng ta luôn lấy thiện đãi người, luôn biết nghĩ cho người khác thì chúng ta sẽ nhận được phúc báo.

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

HẠNH PHÚC CỦA ĐỜI NGƯỜI, MỘT NỬA NÊN TRANH, MỘT NỬA NÊN THUẬN


Tâm thiện thì gương mặt dịu hiền, tâm từ thì dáng vẻ nhu hòa. Nước càng nhạt thì càng trong suốt; người càng lãnh đạm thì lại càng vui vẻ, an nhiên.
Xem nhẹ được và mất, bình thản trước phồn hoa
Bởi xem nhẹ, nên mới không thấy khổ. Ngọt ngào quá mức sẽ trở thành đắng, đắng đến chỗ nồng sẽ khiến lòng kiệt quệ. Cuộc sống giống như nước, dục vọng tựa như đường, không phải đường càng nhiều nước sẽ càng ngọt hơn. Quá nhiều dục vọng, ngọt cũng trở thành đắng, chỉ tâm thái hài hoà mới có thể khiến cuộc sống trở nên ngọt ngào. Một trái tim bình thản vô vi, có thể xem nhẹ được và mất, dẫu không vui nhiều thì cũng không buồn nhiều. Năm tháng hờ hững, con tim nhạt nhòa, con người cũng lẳng lặng bước đi, khi đã trang nhã ngồi xuống, buông bỏ dục vọng, lòng cũng an tâm bình hoà. Hương vị của đời người là như vậy, nhạt lâu sẽ tỏa mùi ngát hương.
Không tham, dục vọng sẽ ít; không sân, trong lòng bình yên
Con người sống trên đời, cơ hội chẳng ai giống ai, nhân duyên mỗi bên mỗi khác, thuận buồm xuôi gió cũng được, trầm bổng lên xuống cũng hay, ta vẫn bình thản như bao ngày thường, đều là vận mệnh của bản thân ta. Những người đã từng đi ngang qua đời ta, những người mà ta vô tình chạm mặt, những người mà ta gặp để rồi biệt ly, thì hết thảy đều là duy nhất trong đời. Rơi vào tình huống nào, đều không nên chê trách thói đời, không buông bỏ ranh giới cuối cùng, cũng không cần đố kỵ oán hận người khác. Không tham, dục niệm sẽ ít; không sân, lòng ta bình thản; không cầu, tâm thường biết đủ. Gặp được nhau hãy biết trân quý, đừng đợi đến lúc đánh mất rồi mới biết luyến tiếc một đời.
Im lặng là sự thanh cao cuối cùng
Im lặng có thể khiến con tim hỗn loạn bỗng trở nên bình thản. Không cần phải cho người khác biết rằng bạn khờ dại thế nào, ngây thơ thế nào, thiện lương ra sao, hạnh phúc thế nào, bất hạnh bao nhiêu, đau khổ nhường nào. Hãy học cách dùng sự im lặng để làm chủ cảm xúc của bản thân. Có thể có người nói bạn cởi mở thoải mái, nhưng sự cởi mở của bạn có lúc chỉ là thể hiện ở bên ngoài. Lại có người nói bạn âu sầu khổ não, nhưng cái âu sầu khổ não ấy có lúc chỉ là tạm thời trong giây lát. Giữa những nốt thăng trầm lên xuống của cuộc đời, hãy học cách im lặng. Chỉ có im lặng, mới là biểu hiện của khôn ngoan lanh lợi, là nhìn xa trông rộng, là nội hàm bên trong. Im lặng, chính là sự thanh cao cuối cùng, cũng là sự tự do cuối cùng.
Có thể buông bỏ mới có thể nắm giữ
Đời người có thể buông bỏ mới có thể nắm giữ, có xả mới có đắc, được hay mất trong lòng ta tự biết. Chỉ một câu nói giản đơn, nhưng đã bao hàm biết bao trí huệ và đạo lý xử thế trong đời. Bởi vì, người rộng lượng mới hiểu được siêu thoát, người chân thành mới biết được hiến dâng, người hạnh phúc mới hiểu được buông bỏ, người trí huệ mới hiểu rõ được và mất. Đời người, cùng lúc tìm kiếm được cũng là lúc luôn phải phó xuất; nếu có thể nhận thức được và mất một cách chính xác, con người sẽ hiểu rõ “được – mất” là song hành, cũng là lẽ tất nhiên. Do đó, mất đi cũng đừng quá đau khổ, chỉ cần tìm về bản thân mà làm chủ chính mình trong sự mất mát đó.
Hạnh phúc của đời người, một nửa nên tranh, một nửa nên thuận
“Tranh” không phải là tranh chấp với người khác, mà là với khổ đau. Không hạnh phúc nào có được dễ như trở bàn tay, mà phải cố gắng phấn đấu, nỗ lực hết mình, mới có thể từng bước từng bước đến gần hơn tới bến bờ hạnh phúc. “Thuận” không phải là gặp sao hay vậy, mà là biết dừng lại đúng lúc mà an vui sau này. Bởi sự hạn chế của năng lực và điều kiện, rất nhiều người và sự việc chỉ có thể thích ứng trong một tình cảnh, tùy duyên mà dừng lại. Không tranh với người, vậy nên đời người ít tiếc nuối; lòng luôn thuận theo, bởi biết đủ nên thường an vui.
Không phải thế giới đã chọn bạn, mà là bạn đã lựa chọn thế giới này
Nếu lòng bạn tràn đầy tình yêu thương, thế thì cuộc sống của bạn đâu đâu cũng tràn ngập yêu thương. Nếu lòng bạn chứa đầy thù hận, thế thì cuộc sống của bạn đâu đâu cũng chứa chan thù hận. Còn như lòng bạn chứa đầy cảm ân, thì đâu đâu cũng thấy ngập tràn lòng cảm ân. Nếu bạn trưởng thành, mọi chuyện cũng đều sáng rõ như lòng bàn tay. Vậy mới nói, không phải thế giới đã chọn bạn, mà là bạn đã lựa chọn thế giới này. Nếu không có chỗ nào để thoả mãn, chi bằng ta hãy cười ngây ngô. Nếu không có chỗ nào để so tài cao thấp, chi bằng ta hãy tự tại mừng vui. Nếu mọi chuyện đều không như ý, chi bằng ta hãy thản nhiên mà đón nhận.
Nước càng nhạt thì càng trong suốt; người càng lãnh đạm thì càng vui vẻ an nhiên
Tâm thiện thì gương mặt dịu hiền, tâm từ thì dáng vẻ nhu hòa. Nước càng nhạt thì càng trong suốt; con người càng lãnh đạm thì càng vui vẻ, an nhiên. Bình thản, khiến con người ta giản đơn; giản đơn, khiến người ta vui vẻ. Tâm thiện, tự nhiên xinh đẹp; tâm thẳng, tự nhiên chân thành; tâm từ, tự nhiên nhu hòa; tâm tịnh, tự nhiên trang nghiêm. Lẳng lặng mà cảm ngộ, phủi đi bụi trần của năm tháng, lấy một trái tim không vướng bụi trần mà trở về với nguồn gốc ban sơ, dùng một trái tim cảm ân đối đãi với hết thảy của cuộc đời.
Hiểu được từ bỏ sẽ đạt đến vẻ đẹp của sự trưởng thành. Nhìn rõ một người hà tất phải vạch trần; chán ghét một người hà tất phải trở mặt. Còn sống, thì sẽ luôn có người bạn thấy không vừa mắt, cũng như không phải tất cả mọi người đều thấy bạn thuận mắt. Sự trưởng thành của người ta không phải ở tuổi tác, mà là hiểu rõ lẽ được-mất, biết được buông bỏ, học cách viên dung, hóa giải mâu thuẫn. Có những nỗi khổ tâm không nói hết được, không phải trong lòng vô cảm, mà là biết rằng dù nói hay không cũng đều như nhau. Những vết thương kia, không phải ta không để tâm, mà bởi ta đã biết cách chữa lành nó thế nào…

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

HÃM HẠI NGƯỜI TỐT QUỶ THẦN KHÔNG THA


Vào thời nhà Minh, có vị quan giữ chức giám sát ngự sử tên là Lưu Khí Chi. Ông ta là một người thanh liêm chánh trực, thường hay vạch tội những vị quan lớn nên bị nhiều người thù ghét.

Về sau, ông bị người hãm hại, bị đày đến đảo Hải Nam ở tỉnh Quảng Đông. Cùng thời gian này, Lâm Cường là một kẻ thù địch với ông cũng được phái đến đảo Hải Nam để làm quan. Nhân cơ hội này, Lâm Cường quyết định giết chết Lưu Khí Chi để báo thù.

Không ngờ ngay hôm Lâm Cường đến nhận chức thì đêm đó nằm mộng thấy ác quỷ đến đánh đập mình, rồi qua hôm sau bèn hộc máu mà chết. Lưu Khí Chi cũng nhân đấy mà được thoát nạn.

Người có tâm chánh thì thiện khí tích tụ và sẽ được trời giúp, cho nên có thể chuyển nguy hiểm thành bình an. Còn người có tâm ác thì tà khí nhóm họp, ắt sẽ cảm với tà yêu, rốt cuộc sẽ gặp tai họa. Đây là một chân lý nhất định.

Vậy kính khuyên mọi người nên cố gắng làm thiện, tích phước để có được những quả báo tốt đẹp trong hiện tại cũng như tương lai.

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

NHƯỜNG NGƯỜI 3 PHẦN KHÔNG BỊ THIỆT, NHỊN NGƯỜI 3 PHẦN KHÔNG TỔN THẤT


Tranh giành trong cuộc sống chỉ có thể làm bản thân trở nên cô độc, học được cách nhường nhịn thứ tha, điều bạn nhận được sẽ là vô giá…
Cuộc sống vốn không phải dùng để tranh tranh đấu đấu. Ngày tháng không phải dùng để chỉ trích lẫn nhau, biểu hiện của bạn càng thấp kém, hạnh phúc sẽ càng cách xa bạn.
Trong dân gian có câu rằng: “Kẻ ngu xuẩn dùng miệng, người trí huệ dùng tâm. Người nhỏ mọn tranh đấu, người từ bi không tranh biện”.
Bởi vậy sống trong cõi đời này, chịu khổ cũng không phải là không tốt, nó có thể giúp bạn càng quý trọng mùi vị của sự ngọt ngào. Nhẫn nại là điều cần có, bởi cuộc sống đôi khi cần biết chờ đợi, không có sự yên lặng thì sẽ khó có được sự bùng nổ bứt phá. Bình thường không có gì là không tốt, nó có thể giúp ta cảm nhận được sự tốt đẹp và may mắn trôi qua mỗi ngày. Nhẫn nhịn không có gì là không tốt, tha thứ cho người khác kỳ thực chính là tha thứ cho bản thân mình. Thất bại không có gì là không tốt, nó không hủy diệt được bạn mà chỉ càng làm bạn trở nên kiên cường mạnh mẽ.
Nhường người ba phần không bị thiệt, người lương thiện cũng không phải là người ngu ngốc, bởi họ biết quý trọng nên mới có thể nhường nhịn. Người lương thiện không phải ngu ngốc, bởi họ có thể hiểu được nên mới có thể bao dung. Người lương thiện không phải là người sợ hãi, bởi không muốn làm tổn hại người khác nên mới muốn rời xa.
Người nhường nhịn không hề mất đi tất cả, ngoài sự tự tôn, trước mắt họ sẽ giữ được lòng người. Người chấp nhận thiệt thòi sẽ không bao giờ bị thua thiệt, sớm muộn gì cũng sẽ có sự bù đắp xứng đáng…
Tính nóng giận của con người rất dễ gây ra tranh đấu. Tục ngữ có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một lúc sóng yên gió lặng”. Có nhẫn mới an, nhưng con người hiện nay đa phần là tâm địa hẹp hòi, không thể nhẫn được, không thể nhường nhịn. Vợ chồng chỉ vì chút việc nhỏ mà cãi nhau rồi thành ra oán hận nhau, kết cục hôn nhân tan vỡ; trong công việc chỉ vì chút lợi nhỏ mà tranh giành đến mức kẻ sống người chết, nơi đâu cũng trở thành chiến trường.
Nhất là ở xã hội hiện đại ngày nay, con người qua lại với nhau chỉ một câu không hợp là bắt đầu xảy ra mâu thuẫn và tranh đấu. Người ta chẳng qua cũng chỉ để bảo vệ cho cái “danh” của bản thân mà thôi, cảm thấy bản thân mình oan uổng hoặc mất mặt, cảm thấy nhục nhã không chịu nổi, phải nói ra cho thỏa cơn tức này, phải có kẻ thắng người thua.
Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại có kể về câu chuyện cuộc chiến thành Troy, nguyên nhân cũng chỉ vì hai người đàn ông cùng tranh giành một mỹ nữ tên là Helen, kẻ không giành được người đẹp quá tức giận mà khơi mào ra cuộc chiến. Chính cái tâm lý tranh hơn thua của con người đã gây ra tấm bi kịch này.
Có người cho rằng nhẫn nhịn là thể hiện của sự nhu nhược, cho nên phải vùng lên tranh đấu. Kỳ thực, tranh đấu mới là không vượt qua được chính bản thân mình. Người có thể nhẫn nhịn không phải là người nhu nhược, mà là thể hiện của ý chí mạnh mẽ và phẩm chất cao thượng. Họ có thể khống chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân bằng ý chí mạnh mẽ.
Ta chọn nhường nhịn không có nghĩa là ta đang bị thụt lùi, mà vì ta hiểu rằng, “một sự nhịn, chín sự lành”, nhịn một chút sóng êm gió lặng, lùi một chút biển rộng trời cao.
Ta chọn tha thứ không phải vì ta nhu nhược, mà bởi vì ta hiểu rằng tha thứ là một trong những đức tính tốt đẹp nhất trên đời, không bao giờ là sai lầm cả.
Ta lựa chọn tha thứ còn một nguyên nhân nữa, không phải vì ta không giữ vững lập trường, mà bởi vì ta hiểu rằng mọi chuyện không nên làm tận, làm tuyệt.
Ta chọn “khờ khạo” không phải vì ta khờ khạo thật, mà bởi vì ta hiểu rằng, khi đối diện với hiểu lầm, oan ức, bất công thì không nên so đo tính toán quá, cứ nở nụ cười mà lặng nhìn thế thái nhân tình.
Đôi khi giả ngốc không phải là ngốc thật, mà chỉ là muốn cấp cho đối phương thêm một cơ hội nữa.
Ta chọn chân thành và nói lời thẳng thắn là bởi vì ta hiểu rằng, những lời nói dối, trái với lương tâm chỉ dùng để đối phó tình huống, trong khi thật lòng đối đãi, nói lời chân tình mới thật sự giải quyết tận gốc vấn đề và không có hậu hoạn về sau.
Ta trân trọng nghĩa tình không phải vì ta quỵ lụy, mà bởi vì không nhất thiết phải vứt bỏ khoảng thời gian tốt đẹp giữa chúng ta.
Có thể có người cho rằng nhường nhịn như vậy thật quá ngốc. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, con người ai cũng phải đối mặt với những phiền phức trong cuộc sống, nóng giận và tranh đấu chỉ khiến bản thân càng thêm đau khổ mà chẳng thể thay đổi được gì hơn. Người có tấm lòng quảng đại, không tính toán được mất hơn thua mới có thể khéo léo thoát khỏi mâu thuẫn, gặp dữ hóa lành.
Người xưa gửi gắm đạo lý này qua câu tục ngữ “bụng tể tướng có thể chèo thuyền”, con người nếu không có sự nhường nhịn và tấm lòng khoáng đạt thì không thể làm được tể tướng, không làm nên việc lớn. Đạo lý là vậy, nhưng người ta thường vẫn bị cảm xúc khống chế, không dễ mà kìm nén được sự tức giận của bản thân mình.
Cuộc đời vốn dĩ có nhiều điều, dù ta có muốn hay không chúng vẫn tồn tại. Thay vì tranh đấu ngược xuôi, chi bằng tĩnh lặng, nhường nhịn, thứ tha, và điều ta nhận được chính là một khoảng trời bình lặng vô giá…

TÂM NHIỀU VỌNG TƯỞNG THÌ SẼ PHÁT BỆNH


Triều đại nhà Thanh có vị quan lớn tên là Quách Tử Nguyên. Do ông không được hoàng đế trọng dụng nên buồn phiền mà sanh bệnh. Một hôm, ông ta đến hỏi một vị cao tăng để cầu xin ngài chỉ rõ nguyên nhân bệnh tình của mình.

Vị tăng dạy rằng: “Ông tuy đọc sách vở thánh hiền nhưng vọng tưởng quá nhiều nên sinh ra phiền não. Thí như nhớ sự vinh nhục của mấy mươi năm qua, đó là vọng tưởng về quá khứ của ông. Việc trước mặt ông lại sợ trước sợ sau, vẫn còn nghi ngờ không dám quyết định, đây là vọng tưởng ở hiện tại của ông. Mơ mộng công danh phú quý, con cháu thịnh vượng, đây là vọng tưởng về tương lai. Hiện nay, tình trạng của ông như vậy là vì mỗi ngày từ sáng đến tối trong tâm của ông lúc nào cũng vọng tưởng điên đảo, không giây phút nào nghĩ đến việc thiện thì tự nhiên toàn thân phát bệnh. Nếu như ông có thể buông bỏ hết tất cả các vọng tưởng đó thì thân thể ông sẽ trở nên khoẻ mạnh và được trường thọ.”

Nghe xong lời khai thị của lão tăng, Quách Tử Nguyên cảm thấy hổ thẹn và xin cáo từ. Từ đó, ông ta dần dần buông bỏ các vọng tưởng.

Quả nhiên, căn bệnh của ông ta cũng tiêu mất theo vọng tưởng. Kể từ đó, ông sống một cuộc sống thanh thản, tự tại cho đến cuối đời.

Chỉ cần chuyển đổi niệm ác thành niệm thiện thì đã giống như chuyển địa ngục thành thiên đường rồi, huống hồ có thể làm cho tâm được thanh tịnh thì ngay lập tức ở đó chính là thiên đường.

Vậy những điều bổ ích, lợi lạc như thế, tại sao chúng ta không làm?

MẶT THIỆN TÂM ÁC CHẾT KHÔNG ĐƯỢC YÊN

Hình ảnh có liên quan


Ở huyện Hội Khê thuộc tỉnh Triết Giang có một người tên là Ngô Tế Hữu. Cung cách cử chỉ hằng ngày của ông ta rất là nghiêm trang đạo mạo, vì thế mọi ngườiđều cho rằng ông ta là một hiền nhân quân tử. Nhưng cả đời ông ta rất khốn khổ và thiếu thốn, nhất là lúc về già. Một hôm, ông ta đến hỏi một đạo sĩ rằng: “Cả đời của tôi chưa từng tạo tội lỗi, vậy tại sao ông trời lại bất công đối với tôi, hành hạ tôi suốt đời phải chịu khốn khổ như vậy?”

Đạo sĩ bèn đáp: “Cả đời của ông bên ngoài thì lúc nào cũng làm ra vẻ ta đây là người hiền lương nhân hậu nhưng bên trong chỉ toàn là tâm niệm hiểm ác. Tuy mọi người không biết nhưng trời biết, ông trời đang và sẽ tiếp tục trừng trị về những tội lỗi của ông. Nếu như ông rộng làm phước đức với một tấm lòng chân chính thì trời mới có thể miễn bớt hình phạt cho ông.”

Nhưng Ngô Tế Hữu đã không nghe theo lời khuyên của đạo sĩ mà vẫn ngoan cố giả dạng là một hiền nhân và âm thầm làm các việc xấu ác. Cuối cùng mọi người cũng phát hiện ra ông ta là kẻ giả dối nên đã xa lánh. Thế rồi Ngô Tế Hữu xấu hổ, uất ức mà chết.

Vậy kính khuyên những người làm thiện chớ nên dối lòng, bởi vì đạo trời rất công bằng, báo ứng rất phân minh, không nên cho rằng hoạ phước, báo ứng là chuyện mờ mịt để rồi phô bày điều thiện mà che đậy những điều xấu ác. Nếu làm như vậy thì sẽ không tránh khỏi sự trừng trị của luật nhân quả.

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

9 ĐIỀU "KHÔNG BIẾT" VÀ 9 ĐIỀU "KHÔNG THỂ" TRONG ĐỜI


Đời người thật ngắn ngủi, thời gian chẳng có nhiều, nhưng hãy thật tỉnh táo bước đi trên chặng đường rạo rực, đầy ý nghĩa ấy. Có những điều, nhất định bạn phải khắc cốt ghi tâm…
9 điều không biết
1. Không biết trân quý, ôm cả núi vàng cũng sẽ không thấy vui
Vĩnh viễn thực ra là xa bao nhiêu? Qua bao nhiêu năm mới hiểu thì ra thế gian này thật sự vốn không có gì gọi là vĩnh viễn. Một quãng tình bạn, rời khỏi rồi thì sẽ tản mất đi. Một quãng ái tình, buông tay rồi thì thành phai nhạt. Hoa rơi, nước chảy đâu phải chuyện vô tình. Người không thể ở lại rồi sẽ ra đi. Người vốn dĩ không bao giờ đến thì đợi chờ một kiếp cũng là khổ công, vô vọng. Hãy trân quý những gì ở trong vòng tay, trước tầm mắt bạn, ai biết được sau một giây tất cả có còn thuộc về bạn nữa hay không?
2. Không biết khoan dung, bạn bè dù nhiều cuối cùng cũng rời bỏ hết
Nước trong quá không có cá, người quá xét nét thì không có bạn. Sao chỉ nhìn thấy cái gai trong mắt của người anh em, nhưng lại không thấy được cả cái xà trong con mắt của mình? Sống khoan dung không khó, quan trọng là bạn có đủ từ bi hay không. Từ bi cũng không khó, quan trọng là bạn có biết nghĩ cho người khác trước tiên hay không.
3. Không biết cảm ân, dù xuất sắc hơn người cũng khó mà thành công
Uống nước không quên ơn người đào giếng, người trước trồng cây người sau hóng mát. Cá biết ân của nước, chim biết ân của gió trời, đó chính là cội nguồn của hạnh phúc vậy.
4. Không biết hành động, dù thông minh hơn người cũng khó thành tựu ước mơ
Những tri thức có được từ sách vở rốt cuộc vẫn chỉ là điều nông cạn. Muốn hoàn toàn hiểu thấu sự vật, hiện tượng thì cần phải đích thân thực hành, trải nghiệm. Hãy nhớ rằng trường đời cho bạn những bài học quý báu và đắt giá hơn gấp trăm lần những trang sách. Khi giấc mơ được đưa vào thực tế, được thực hiện, nó sẽ trở nên thiêng liêng, cao cả hơn biết bao nhiêu.
5. Không biết hợp tác, dù cố gắng hơn cũng khó thành việc lớn
Có câu: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Có thể phát huy, tận dụng trí huệ và sức mạnh của mọi người thì không khó khăn nào ngăn cản nổi. Một bó đũa lớn thì chẳng sợ bị người ta bẻ gẫy bao giờ.
6. Không biết tiết kiệm, dù kiếm tiền giỏi hơn cũng khó thành đại phú
Xem qua sử sách, những chuyện cổ nhân thì thấy thành công vì cần kiệm, bại vong vì xa hoa. Kiếm củi suốt ba năm ròng, đừng nên đốt sạch chỉ trong một giờ.
7. Không biết thỏa mãn, dù giàu hơn cũng khó mà hạnh phúc
Biết đủ thì an vui. Không biết đủ thì mãi truy cầu nhọc tâm tổn sức, đoản thọ yểu mệnh, bệnh tật vây quanh. Một người cảm thấy hạnh phúc không phải bởi anh ta có được nhiều, mà là bởi anh ta ít toan tính.
8. Không hiểu được đạo dưỡng sinh, dù chạy chữa nhiều hơn cũng khó trường thọ
Chữa bệnh đã mắc, không bằng phòng bệnh chưa mắc. Thay vì bệnh nặng rồi mới lo chạy chữa, chi bằng lúc chưa có bệnh mà tìm hiểu đạo dưỡng sinh. Cái đạo dưỡng sinh lớn nhất không phải là tẩm bổ, an dưỡng mà chính là di dưỡng tính tình, tu tâm sửa tính, tích đức hành thiện. Khi an lạc từ trong tâm, sức khỏe cũng được vun bồi.
9. Không biết cuộc sống, sống càng lâu càng cảm thấy tẻ nhạt
“Chí lớn không già theo năm tháng, chết đi vẫn là ma anh hùng”. Đời người chính là một cuộc hành trình, quan trọng không phải là điểm cuối mà là phong cảnh dọc đường đi.
9 điều không thể:
1. Có một thứ không thể lợi dụng, đó chính là thiện lương
Càng là người lương thiện, càng không phát giác ra dụng ý bất lương của người khác. Thiện lương là một tài sản quý báu. Nếu bị lợi dụng để đạt được mục đích bất hảo thì loại tài sản này sẽ khô héo, thậm chí biến mất. Một khi thiện lương bị thay thế bởi lạnh lùng, vô cảm thì người bị tổn hại sẽ nhiều đến chừng nào.
2. Có một thứ không thể lừa gạt, đó chính là tình cảm
Có thể đùa giỡn với bất cứ ai, bất cứ điều gì, nhưng đừng đùa giỡn với tình cảm. Đừng lừa gạt người khác khi họ đã trao cho bạn niềm tin, là những người thật lòng tốt với bạn. Họ chính là phúc duyên của bạn, đừng để lỡ họ trong cuộc đời.
3. Có một loại tình cảm không thể đùa giỡn, đó chính là sự chân thành
Hẳn bạn đã nghe rất nhiều lần câu chuyện quen thuộc về cậu bé chăn cừu nói dối “Sói đến rồi!”. Lời nói dối, dù chỉ là bông đùa đôi khi cũng gây ra những thương tổn lớn vô cùng. Đừng bùa bỡn với tình cảm chân thành của người khác, cuối cùng chính là tự mình gánh lấy hậu quả.
4. Có một thứ không thể thiếu, đó chính là tình bạn
Ở nhà dựa vào cha mẹ, ra ngoài thì nhờ cậy bạn bè. Tình bạn này, đẹp bởi thêu hoa trên gấm, quý ở trao tặng than hồng giữa trời tuyết lạnh. Người không có bạn bè thì tâm hồn cằn cỗi, gỗ đá biết bao.
5. Có một thứ không thể truyền tải bằng lời, đó chính là nỗi nhớ nhung
Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng, cho đến bây giờ chỉ còn lại đau thương. Nghìn vàng dù có mua được bài phú của Tương Như, đằng đẵng mối tình này biết ngỏ cùng ai?
6. Có một thứ không thể tha thứ, đó chính là phản bội
Những kẻ phản bội bạn bè, thường thường cũng đang tự hủy diệt bản thân mà không tự biết. Nếu như có người phản bội bạn, bạn có thể tha thứ cho anh ta, chính là giống như chưa từng bị tổn thương vậy. Nhưng từ nay trở đi đừng bao giờ tin tưởng anh ta nữa.
7. Có một thứ không thể cứu vớt được, đó chính là tuyệt vọng
Tuyệt vọng, nếu như phủi đi lớp bụi lạnh lùng thì lại đang ẩn chứa một loại sức mạnh vô cùng hung dữ, hoàn toàn là không có lý trí, hoàn toàn không thể lý giải. Một người một khi rơi vào trong tuyệt vọng, thì anh ta sẽ không còn lo ngại chi nữa, thậm chí cũng sẽ không tiếc dùng đôi tay của mình xé nát trái tim đang bị tổn thương của anh ta.
8. Có một thứ không thể lãng quên, đó chính là lòng cảm ơn
Cuộc sống cần một trái tim cảm ơn để sáng tạo, một trái tim cảm ơn cần dùng cuộc sống để vun trồng.
9. Có một thứ không thể tham luyến, đó chính là danh lợi
Đừng truy cầu danh và lợi, danh lợi là kẻ thù của tự thân. Cam chịu làm kẻ an nhàn ngâm thơ trong vũ trụ, còn hơn làm quan lãnh bổng lộc trong trời đất.